Hạ Kỳ trung cổ (1300-1400) Âm nhạc thời kỳ Trung cổ

Pháp: Ars nova

Bài chi tiết: Ars nova

Ars nova là một trong số ít thời kỳ âm nhạc có mốc thời gian khởi đầu và phát triển khá rõ ràng trong lịch sử âm nhạc trung cổ, vì nó tương ứng với sự ra đời của Roman de Fauvel ("Câu chuyện của quỷ Nâu Vàng"), một tác phẩm nhạc thơ đồ sộ, vào những năm 1310 và 1314. Roman de Fauvel châm biếm sự lộng hành của nhà thờ trung cổ, và sử dụng các thể loại nhạc trung cổ như motet, lais, rondeaux, và một số thể loại nhạc thế tục mới hình thành thời gian này. Trong khi hầu hết các tác phẩm âm nhạc đương thời đều không rõ tác giả, tác phẩm này được biết đến với rất nhiều phần nhạc soạn bởi Philippe de Vitry, một trong những nhà soạn nhạc motet isorhythmic (từ có nguồn gốc tiếng Hy Lạp nghĩa là "cùng một nhịp điệu"). Motet isorhythmic là một bước phát triển đặc trưng trong âm nhạc của thế kỷ 14, được hoàn thiện bởi Guillaume de Machaut, nhà soạn nhạc giỏi nhất đương thời.

Trong suốt thời kỳ Ars nova, nhạc thế tục đạt được tính phức điệu tinh tế vốn chỉ có trong nhạc tôn giáo trước đó. So với nhạc thế tục đầu thời kỳ Phục Hưng thì bước phát triển này không hề gây ngạc nhiên (trong khi loại hình này được coi là nhạc "trung cổ" đặc trưng thì các lực lượng xã hội sáng tạo ra thể loại âm nhạc này cũng chính là những người đặt nền móng cho sự phát triển của nền văn học nghệ thuật Phục Hưng tại Ý – khó có thể phân tách rạch ròi mốc thời gian giữa thời kỳ Trung cổ và thời kỳ Phục Hưng, đặc biệt nếu dựa trên các tiêu chí về sự phát triển các loại hình nghệ thuật như âm nhạc và hội họa). Thuật ngữ "Ars nova" (nghệ thuật mới hay kỹ thuật mới) được Philippe de Vitry đặt ra khi sử dụng nó làm tựa đề cho một trong những bản luận thuyết của ông (dường như được viết vào năm 1322), nhằm phân biệt thực tiễn âm nhạc đương thời khỏi những thời kỳ trước đó.

Thể loại âm nhạc thế tục chiếm ưu thế trong thời kỳ Ars nova là chanson, vì nó sẽ tiếp tục phát triển tại Pháp trong suốt hai thế kỷ tiếp theo. Các tác phẩm thuộc thể loại này được soạn để phổ nhạc cho những bài thơ sẵn có, do đó chúng cũng được gọi là thể loại cố định của rondeau, ballade, và virelai. Những loại hình này có ảnh hưởng đáng kể tới sự phát triển của cấu trúc âm nhạc theo cách chúng ta cảm nhận thậm chí là cho tới tận ngày nay; chẳng hạn cấu tứ trong nhịp điệu ouvert-clos dùng chung trong cả ba thể loại nhạc này yêu cầu một cách thể hiện âm nhạc, cái có ảnh hưởng trực tiếp tới quan niệm về tiền đề và hậu tố hiện đại. Cũng trong thời gian này, các giai điệu truyền thống lâu đời quy đinh trong Thánh lễ cũng được đặt ra. Truyền thống này bắt đầu từ giữa thế kỷ 14 với những chùm nhạc đơn lập hoặc theo cặp của Kyries, Glorias, … Nhưng Machaut mới được coi là người soạn ra những khúc nhạc thánh lễ đầu tiên được cho là hoàn chỉnh. Âm nhạc thời kỳ Ars nova rất chú trọng đến các bè và sự phức tạp của nhịp điệu. Các quãng "thuận" là quãng năm và tám, trong khi quãng ba và sáu được coi là quãng nghịch. Sự nhảy quãng của nhiều hơn một quãng sáu trong các giọng đơn thường xuyên được sử dụng, dẫn tới việc sử dụng rất nhiều nhạc cụ trong biểu diễn, ít nhất là trong biểu diễn nhạc thế tục.

Các bản nhạc phổ viết tay của Pháp còn lại đến này gồm có Ivrea Codex và Apt Codex.

Để biết thêm về các nhà soạn nhạc Pháp giai đoạn hạ kỳ Trung cổ, có thể tìm hiểu về Jehan de Lescurel, Philippe de Vitry, Guillaume de Machaut, Borlet, Solage, và François Andrieu.

Italia: Trecento

Bài chi tiết: Trecento

Hầu thế âm nhạc thời kỳ Ars nova đều có nguồn gốc từ Pháp; tuy nhiên thuật ngữ này thường được hiểu theo nghĩa rộng để chỉ toàn bộ âm nhạc phương Tây thế kỷ 14, đặc biệt là để bao hàm cả âm nhạc thế tục tại Ý. Ở đó, giai đoạn âm nhạc này thường được gọi là Trecento.

Âm nhạc Ý dường như luôn được biết đến bởi tính trữ tình và giàu giai điệu của nó, và điều này rất đúng với nền âm nhạc của đất nước này vào thế kỷ 14 ở rất nhiều khía cạnh. Nhạc thế tục Ý thời gian này (trong khi nhạc tôn giáo còn lại rất ít, cũng giống như tại Pháp, trừ phần ký âm có đôi chút khác biệt) thể hiện một phong cách được gọi là cantalina, với một giọng hát cao dày dặn được hỗ trợ bởi hai (hoặc thậm chí chỉ một; có khá nhiều tác phẩm nhạc Trecento của Ý chỉ dành cho hai giọng hát) giọng khác hát theo nhịp chậm và đều hơn. Cấu trúc này được sử dụng cả trong các thể loại nhạc thế tục phổ biến của Ý ở thế kỷ 15 và 16, và có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của cấu trúc trio sau ngày, cái tạo nên cuộc cách tân trong âm nhạc thế kỷ 17.Có ba loại hình cho các tác phẩm nhạc thế tục thời Trecento. Một là madrigal, không giống madrigal của 150-250 năm trước, mà có hình thức giống khổ thơ/điệp khúc. Các khổ thơ ba dòng, mỗi khổ chứa những ca từ khác nhau, hoán đổi với hai dòng ritornello (tức đoạn nhạc cứ lặp đi lặp lại có chu kỳ trong suốt chiều dài tác phẩm), với cùng một phần ca từ ở mỗi một khổ. Có thể chúng ta sẽ thấy ảnh hưởng của nó trong ritornello của âm nhạc cuối thời kỳ Phục Hưngthời kỳ Barốc trong đó cũng có những đoạn nhạc giống nhau lặp đi lặp lại tương phản với những phần khác hẳn nhau quanh nó. Một hình thức khác, caccia (hát đuổi) được viết cho hai giọng hát đối âm cùng lúc. Đôi khi, thể loại này cũng chứa ritornello có lúc được viết theo phong cách đối âm. Thông thường, tên của thể loại này được hiểu theo hai nghĩa, vì phần ca từ của caccia chủ yếu là về về săn bắn và liên quan tới những hoạt động ngoài trời, hoặc ít ra là những cảnh có đầy chất hành động. Thể loại chính thứ ba là ballata, nếu nhìn sơ qua sẽ thấy nét tương đồng với thể loại virelai của Pháp.

Các bản nhạc phổ Italia viết tay còn đến ngày nay bao gồm Squarcialupi Codex và Rossi Codex.

Có thể tìm hiểu các thêm về các nhà soạn nhạc thời trung cổ tại Ý như: Francesco Landini, Gherardello da Firenze, Andrea da Firenze, Lorenzo da Firenze, Giovanni da Firenze (tức Giovanni da Cascia), Bartolino da Padova, Jacopo da Bologna, Donato da Cascia, Lorenzo Masini, Niccolò da PerugiaMaestro Piero.

Đức: Geisslerlieder

Bài chi tiết: Geisslerlieder

Thể loại Geisslerlieder được biểu diễn bởi các ban nhạc lang thang của những người hành xác, những người mong muốn xoa dịu nỗi uất hận của một vị Chúa giận dữ bằng những bản nhạc xám hối kết hợp với tự đày đoạ thân xác. Có hai giai đoạn hoạt động của thể loại Geisslerlieder: một là vào giữa thế kỷ 13, mà thật không may là không còn bất cứ một bản nhạc nào sống sót cho tới ngày nay (mặc dù rất nhiều ca từ của chúng vẫn được lưu truyền); và giai đoạn khác bắt đầu từ năm 1349, mà chúng ta vẫn lưu giữ được một kho tàng kha khá nhạc phổ và ca từ nhờ một mục sư, người đã viết về phong trào âm nhạc này và ghi chép lại nhạc phổ của nó. Giai đoạn thứ hai của Geisslerlieder tương đồng với thời gian dịch Cái chết Đen lan tràn ở châu Âu, và theo các tài liệu còn lưu lại, đây là một trong những thảm hoạ tồi tệ nhất lịch sử châu lục này. Cả hai giai đoạn hoạt động của loại hình nhạc Geisslerlieder đều diễn ra chủ yếu ở Đức.

Ngoài ra cũng có những tác phẩm nhạc phức âm có ảnh hưởng từ Pháp được viết tại một số vùng của nước Đức, nhưng chúng lại phần nào kém tinh tế hơn khuôn mẫu từ đó chúng bắt chước. Nói một cách công bằng đối với hầu hết các nhà soạn nhạc của các tác phẩm này, hầu hết những bản nhạc phổ sống sót tới ngày nay đều cho thấy chúng được sao chép với sự cực kỳ thiếu hiểu biết, và chứa đầy lỗi tới mức khiến cho việc đánh giá giá trị đích thực của âm nhạc giai đoạn này là điều bất khả thi.

Chủ nghĩa kiểu cách và Ars subtilior

Bài chi tiết: Ars subtilior
Nhạc phổ bản chanson "Belle, bonne, sage," của Baude Cordier từ The Chantilly Manuscript, Musée Condé 564. Đây là một trong những ví dụ tiêu biểu của âm nhạc thời kỳ ars subtilior, trong đó các nốt đỏ, hay "nốt màu" thể hiện sự thay đổi về giá trị độ dài thông thường của nốt đó. Bản nhạc viết về tình yêu giữa tiểu thư và lãnh chúa, được trình bày thành hình trái tim.

Như thường thấy ở mỗi thoái trào của một thời kỳ âm nhạc, giai đoạn kết thúc thời kỳ Trung cổ được dánh đấu bởi phong cách âm nhạc mang tính kiểu cách cao được biết đến với tên gọi Ars Subtilior. Theo nhiều hình thức, đây là một nỗ lực nhằm trộn lẫn hai phong cách âm nhạc PhápÝ. Âm nhạc thời kỳ này mang tính kiểu cách cao với sự phức tạp về nhịp điệu, cái mà không một thời kỳ âm nhạc nào có thể sánh kịp cho tới tận thế kỷ 20. Trên thực tế, không chỉ có rất ít tác phẩm trong suốt năm thế kỷ rưỡi sau đó sánh kịp độ phức tạp về nhip điệu của âm nhạc giai đoạn này, với việc sử dụng nhấn lệch âm cực đoan, phép đo nhịp vô cùng rắc rối, đặc biệt có thể thấy trong các tác phẩm nhạc aucenmusik (giống như nhạc phổ bản chanson của Baude Cordier được viết theo hình trái tim như trong hình bên), chất liệu âm nhạc thời kỳ này cũng rất phức tạp nhất là trong mối tương quan với cấu trúc nhịp điệu. Chúng ta đã bàn đến việc sử dụng isorhythm trong âm nhạc thời kỳ Ars nova, trên thực tế, isorhythm còn tiếp tục được phát triển đến cuối thế kỷ 14 và phải đến tận đầu thế kỷ 15 mới đạt được đến đỉnh cao về mức độ tinh vi. Thay vì sử dụng kỹ thuật isorhythm trong một hoặc hai giọng, hoặc hoán đổi nó giữa các giọng hát, một số tác phẩm thời kỳ này hoàn toàn sử dụng cấu trúc isorhythm tới mức thách thức cả các tác phẩm nhạc 12 âm của chủ nghĩa âm nhạc serialism của thế kỷ 20 về tính hệ thống trong việc sắp xếp nhịp điệu và các yếu tố bè giọng. Thuật ngữ "chủ nghĩa kiểu cách" được cách học giả thời kỳ sau này sử dụng để thể mô tả tính nghệ thuật vị nghệ thuật dẫn tới căn bệnh hình thức mà một số tác giả bị nhiễm của thời kỳ Ars subtilior.

Một trong những nguồn tư liệu còn đến nay về các tác phẩm chanson thời kỳ Ars subtilior là Chantilly Codex.

Có thể tìm hiểu các thêm về các nhà soạn nhạc viết theo phong cách Ars subtilior như: Anthonello de Caserta, Philippus de Caserta (tức Philipoctus de Caserta), Johannes Ciconia, Matteo da Perugia, Lorenzo da Firenze, Grimace, Jacob Senleches, và Baude Cordier.

Quá độ lên thời kỳ Phục Hưng

Việc phận định ranh giới giữa sự kết thúc thời kỳ Trung cổ và bắt đầu thời kỳ Phục Hưng trong âm nhạc, như đã nói, là một điều vô cùng khó khăn. Trong khi âm nhạc của thế kỷ 14 rõ ràng thuộc về thời kỳ Trung cổ thì âm nhạc đầu thế kỷ 15 được cho là thuộc về thời kỳ chuyển đổi giữa hai nền âm nhạc. Nó không chỉ duy trì một số tiêu chuẩn của âm nhạc thời Trung cổ (như cách thức viết phức điệu trong đó có sự khác biệt lớn giữa các phần trong một bản nhạc về tính chất, vì mỗi phần lại có chức năng cấu trúc riêng), mà còn thể hiện cả những đặc điểm thuộc về âm nhạc thời kỳ Phục Hưng (chẳng hạn sự phát triển phong cách mang tính quốc tế nhờ sự truyền bá của các nhạc sĩ Franco-Flernish ra toàn châu Âu, và về kết cấu và viêc tăng cường tính cân bằng của các phần).

Các nhà nhạc sử học không thống nhất với nhau về thời điểm bắt đầu của âm nhạc Phục hưng nhưng hầu hết lại đồng ý xã hội Anh vẫn là một xã hội trung cổ cho đến đầu thế kỷ 15. Dù vẫn chưa cho sự động thuận, năm 1400 được sử dụng như một mốc đánh dấu vì nó nằm trong khoảng thời gian chủ nghĩa Phục Hưng phát triển chín muồi ở Ý.

Sự gia tăng mức độ sử dụng quãng ba như một phụ âm là một trong những đặc tính nổi bật nhất của quá trình chuyển giao sang thời kỳ Phục Hưng. Nhạc phức điệu, bắt đầu sử dụng từ thế kỷ 12, được chau truốt hơn với những tiếng nói độc lập cao trong suốt thể kỷ 14. Với John Dunstable và các nhà soạn nhạc Anh khác, một phần thông qua kỹ thuật faburden của địa phương (quá trình ứng tác trong đó một bè thánh ca và phần chính của bản nhạc được viết ở các quãng sáu song song phía trên và được phụ hoạ thêm bởi một giọng hát ở các quãng bốn đủ thấp hơn phần sau cùng, sau này được biết đến trên khắp trên khắp lục địa như "fauxbordon"), sự xuất hiện của quãng ba là một bước phát triển quan trọng trong âm nhạc, vì nhờ có "phụ âm Anh" (Contenance Angloise) này, các nhà soạn nhạc Anh thường được gọi là những nhạc sĩ đầu tiên ít lập dị hơn và không thích lên lớp công chúng. Các xu hướng nhạc kiểu Anh theo cách hiểu này trở nên chính muồi và bắt đầu ảnh hưởng tới các nhà soạn nhạc trên toàn châu lục ngay đầu những năm 1420, như có thể thấy trong các tách phẩm của Dufay, một trong những nhà soạn nhạc trẻ đương thời. Trong khi cuộc chiến tranh Trăm năm vẫn còn tiếp diễn, giới quý tộc, quân đội Anh cùng nhà thờ và tuỳ tùng chạy sang Pháp và biểu diễn âm nhạc của họ tại đây; tất nhiên chúng ta cũng cần nhớ rằng nước Anh đang nắm quyền thống trị một số bộ phận miền Bắc nước Pháp thời bấy giờ.

Các bản nhạc phổ Anh thời kỳ này còn lại đến nay bao gồm Worcester Fragments, Old St. Andrews Music Book, Old Hall Manuscript, và Egerton Manuscript.

Để biết thêm thông tin về các nhà soạn nhạc góp phần vào thời kỳ quá độ nhạc trung cổ sang nhạc Phục hưng có thể tìm hiểu thêm về Zacara da Teramo, Paolo da Firenze, Giovanni Mazzuoli, Antonio da Cividale, Antonius Romanus, Bartolomeo da Bologna, Roy Henry, Arnold de Lantins, Leonel Power, và John Dunstaple.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Âm nhạc thời kỳ Trung cổ http://www.ancientfm.com http://www.britannica.com/EBchecked/topic/1557536/... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/36198/Ar... http://www.datehookup.com/content-the-development-... http://www.grovemusic.com/ http://www.johnlutheradams.com/interview/endsofthe... http://www.pandora.com/stations/029fc71e0bc1d51847... http://www.schoyencollection.com/music.html http://www.thefreedictionary.com/organum http://www.burg-fuersteneck.de/fortbildung/mittela...